Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá carbonhydrate do nhiều nguyên nhân, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Đây là một căn bệnh toàn thân gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Lượng đường huyết cao sẽ dẫn đến nhiều biến chứng trên các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, thận, răng, thần kinh, trong đó có mắt (gây đục thủy tinh thể, glôcôm hay còn gọi là cườm nước và tổn thương võng mạc).
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng của bệnh lên hệ thống mạch máu võng mạc. Trung bình cứ 3 bệnh nhân đái tháo đường thì sẽ có 1 người bị tổn hại về mắt. Thời gian mắc bệnh càng lâu, chế độ kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng (như đường huyết, huyết áp, mỡ máu) càng kém thì người bệnh càng dễ có biến chứng võng mạc. Các nghiên cứu cho thấy, sau 20 năm mắc bệnh thì hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và hơn 60% các trường hợp type 2 đều có bệnh võng mạc đái tháo đường.
4 giai đoạn tổn hại trên võng mạc:
Tùy vào mức độ tổn hại trên võng mạc mà có thể phân ra thành 4 giai đoạn nặng nhẹ khác nhau:
Mức I: Là giai đoạn sớm nhất, các mạch máu nhỏ trên võng mạc bị phồng lên, giống như những quả bóng li ti.
Mức II: Bệnh tiếp tục tiến triển, một số mạch máu nuôi dưỡng võng mạc bị tắc, các chất dịch từ trong lòng mạch máu thoát ra ngoài, ví dụ lipid, hồng cầu tạo thành các đám xuất tiết, xuất huyết trên võng mạc.
Mức III: Tình trạng trở nặng, số lượng mạch máu bị tắc nhiều hơn, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng tại vùng võng mạc tương ứng. Cơ chế bảo vệ của cơ thể thúc đẩy sản sinh ra các mạch máu mới nhằm bù trừ cho vùng võng mạc bị khiếm dưỡng.
Mức IV: Đây là giai đoạn nặng nhất, võng mạc xuất hiện nhiều mạch máu mới (tân mạch). Tân mạch không giống như mạch máu bình thường, chúng có cấu trúc yếu ớt, thành mạch mỏng manh, dễ vỡ. Các tân mạch này nhanh chóng sinh sôi không chỉ trên võng mạc mà còn tiến vào khoang dịch kính, kéo theo các mô sợi. Bản thân các tân mạch không gây ra bất kỳ triệu chứng gì, tuy nhiên do thành mạch yếu, dễ vỡ gây xuất huyết (chảy máu).
Một số triệu chứng của bệnh lý võng mạc đái tháo đường bao gồm:
- Nhìn mờ, nhìn hai hình, nhìn hình biến dạng hoặc đọc khó.
- Thấy ruồi bay, những đốm đen như bồ hóng hoặc đốm đỏ xuất hiện trước mắt.
- Giảm thị lực một phần hoặc hoàn toàn, thấy bóng hoặc màng mờ che trước mắt.
- Đau nhức, nặng mắt hoặc đỏ mắt thường xuyên.
Tự theo dõi không phải là một lựa chọn tốt cho những người bị đái tháo đường, vì bạn có thể bị bệnh lý võng mạc tiểu đường mà không có một triệu chứng gì đáng chú ý trong một thời gian dài. Đây cũng là đặc trưng của những bệnh lý võng mạc, không có triệu chứng gì đến khi có những tổn hại và biến chứng xảy ra. Cần lưu ý rằng bệnh lý võng mạc tiểu đường nếu được theo dõi sát, điều trị kịp thời vẫn có thể ngăn cản nguy cơ mù lên tới 90%.
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường
Trong bệnh lý võng mạc đái tháo đường, không hẳn cứ xuất hiện biến chứng trên mắt đều cần can thiệp. Ở các giai đoạn của võng mạc tiểu đường không tăng sinh, bạn chỉ cần tái khám định kỳ trừ khi có phù hoàng điểm mới cần điều trị. Nhưng để ngăn chặn tiến triển tới võng mạc tiểu đường tăng sinh, giai đoạn này bạn cần kiểm soát tốt mức đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Còn khi đã chuyển sang giai đoạn võng mạc tiểu đường tăng sinh, lúc này người bệnh có thể sẽ được điều trị laser đáy mắt (laser quang đông), chích thuốc hay phẫu thuật. Laser quang đông nhằm làm chậm hay ngăn chặn sự phát triển các tân mạch, là một trong những tác nhân gây chảy máu trong mắt.
Do đó, nếu trường hợp bị đái tháo đường type 2, ngay cả khi không có triệu chứng gì ở mắt, cũng cần kiểm tra mắt và đo thị lực ngay thời điểm được chẩn đoán và sau đó định kỳ mỗi năm 1 lần. Nếu đợi đến khi có triệu chứng thì có thể lúc đó tổn thương sẽ khó điều trị và thị lực không thể phục hồi. Ngoài ra, để ngăn chặn các biến chứng của bệnh đái tháo đường, cần kiểm soát tốt mức đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Bạn cần kiểm tra lại mắt với bác sĩ chuyên khoa mắt xem mắt có thực sự bị võng mạc tiểu đường hay không và bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn cách điều trị thích hợp.